Truyền Thuyết Bạch Long

Chương 10



19.

Thái tử điện hạ của Trung Nguyên, một thời là chú em họ Nguyên Tông. Hắn mặc áo bào thêu mãng xà màu vàng sáng, cao quý như thần tiên hạ phàm. Vẫn là vẻ kiêu ngạo cùng khuôn mặt như cơm nguội ấy, nhưng lúc này rơi vào trong mắt tôi, lại thuận mắt lạ thường.

Hắn từ tốn mở lời, nói với Chu Nguyên Hanh: “Vân Ly cô nương là người của ta, thỉnh cầu hoàng đệ nể mặt ta mà thả nàng ấy ra.”

“Mặt mũi ư? Năng lực không có mà còn muốn mặt mũi?”

Chu Nguyên Hanh càng ra sức giẫm mạnh lên người tôi. Tôi rên rỉ, có cảm giác nửa khuôn mặt đã bị nhấn chìm vào trong bùn. Tôi thề, thù này không báo, không làm Bạch Long.

“Hoàng huynh biết đấy, ả này ngang nhiên ám sát ta trên đường phố. Nếu ả là người của huynh, vậy thì phải đến trước mặt phụ hoàng nhờ phân xử mới được.”

“Được thôi, vừa hay ta cũng có một chuyện cần bẩm báo với phụ hoàng. Lạc Thành bị lũ lụt, quan viên triều đình phụng chỉ tới cứu trợ thiên tai, giữa đường lương thực bị cướp làm mấy vạn dân chúng địa phương ch.ết đói. Không lâu sau khi đám người Khương Nghê Lễ bị phụ hoàng hạ lệnh tịch thu tài sản rồi xử trảm, ta nhận được một bức thư mật, trong đó viết rằng lương thực cứu trợ thiên tai đã xuất hiện trong tay con buôn ở Lương Châu.”

Chu Nguyên Tông cười tủm tỉm nhưng đáy mắt lại lộ ra sự âm u: “Ta sai người đi điều tra chuyện này thì bị chặn đủ đường. Mặc dù không tìm ra tăm tích số lương thực đó, nhưng cũng bắt được một con buôn người Lương Châu suýt nữa bị diệt khẩu. Trong quá trình thẩm vấn gã đã khai rằng lương thực được chở tới từ quận Dự Chương. Lương thực cứu trợ thiên tai ở Giang Bắc xuất hiện ở Giang Nam, sau đó lại được chuyển trở về đất Giang Bắc. Hoàng đệ có cảm thấy buồn cười không?”

“Bớt chiêu trò, huynh có bản lĩnh thì tự đi mà điều tra. Liên quan gì tới ta?”

“Đương nhiên là phải điều tra rồi. Chẳng qua là việc này liên lụy rất rộng, đã tra tới tri phủ Đàm Châu, ta cũng không biết có nên điều tra tiếp hay không.”

Chu Nguyên Hanh ngông cuồng như vậy, trên mặt gã không hề có chút xíu sợ sệt nào. Gã nhìn Chu Nguyên Tông rồi bật cười: “Hoàng huynh biết rõ, cho dù tra được đến cùng thì cũng sẽ luôn có con dê chịu tội thay. Đến lúc đó ta dập đầu, nhận lỗi trước phụ hoàng. Phụ hoàng nhiều lắm là sẽ mắng ta một trận thôi. Dùng cái này để uy hiếp ta?”

“Ta cho rằng, sức khỏe phụ hoàng không tốt, làm con trai dù sao cũng phải biết nghĩ một chút. Nhưng nếu hoàng đệ kiên trì muốn đi dập đầu nhận lỗi với phụ hoàng thì ta cũng không tiện ngăn cản. Xin mời.”

Chu Nguyên Tông lạnh lùng nhìn gã, khóe miệng hắn nhếch lên, làm bộ muốn rời đi trước.

Người vừa quay đi đã bị Chu Nguyên Hanh gọi lại. Gã thả lỏng bàn chân đang giẫm trên người tôi, ngồi xổm xuống, xách cổ tôi lên, u ám nói: “Mỹ nhân này nếu là người của hoàng huynh, bản vương sao có thể cướp đoạt người thương của người khác được chứ? Có câu nói: anh em như tay chân, đàn bà như quần áo. Hoàng huynh cho ta mượn bộ quần áo này mặc hai ngày, hai ngày sau sẽ trả lại cho huynh. Thế nào?”

Chu Nguyên Tông cau mày, vẻ mặt chán ghét.

Chu Nguyên Hanh thấy vậy lại cười nói: “Không bằng lòng ư? Muốn mang ả ta đi luôn bây giờ cũng được thôi. Lấy ấp Thang Mộc của huynh ở Lương Châu để đổi.”

“Bốn mươi huyện, đổi lấy mạng một mỹ nhân. Để xem hoàng huynh có cam lòng không.”

Tôi thật sự có cái nhìn khác về chú em họ Nguyên Tông. Hắn vậy mà bằng lòng dùng bốn mươi huyện đổi lấy mạng của tôi.

Từ phủ Thần Vương đi ra, tôi lên xe ngựa của hắn. Cả người bẩn thỉu, tôi còn dùng khăn của hắn để lau mặt.

“Chú em Nguyên Tông. Cảm ơn nhiều lắm. Ơn cứu mạng của ông nội tôi, chú không cần trả nữa. Xem như chúng ta huề nhau.”

“Da mặt của cô nương A Ly đúng là vẫn dày như ngày nào.”



Chu Nguyên Tông lườm tôi. Hắn nói chuyện một cách chậm rãi.

Tôi phớt lờ sự xem thường của hắn, lại dặn hắn: “Ngựa của tôi vẫn còn ở chỗ em trai chú. Móng Tuyết là con ngựa tốt, có lẽ gã cũng không nỡ động vào nó đâu. Sau này tìm được cơ hội nó sẽ tự chạy đi. Bây giờ, chú chuẩn bị cho tôi một con ngựa, tôi phải về Tây Vực.”

“Yên tâm đi, chuẩn bị xong cả rồi.”

Tôi không ngờ rằng mình sẽ còn gặp lại Trình Gia.

Chu Nguyên Tông đưa tôi ra khỏi thành. Tại đình nghỉ mát ở ngoại ô, Trình Gia đang chờ ở đó. Vết thương trên má chàng do tôi dùng roi quất ra có vẻ mới chỉ được xử lý qua loa. Một bên má sưng lên, trông hơi đáng sợ.

Khi Trình Gia bước về phía tôi, Chu Nguyên Tông cười khẩy một tiếng, nói với tôi: “Ra tay thật độc ác, uổng công anh ấy một lòng vì cô.”

Bất ngờ gặp chàng, lửa giận trong lòng tôi lại bùng lên. Tôi quay đầu nói với Chu Nguyên Tông: “Bớt nói kháy. Chàng phụ tôi trước. Tôi không cho chàng cơ hội mở miệng sao? Luôn mồm luôn miệng bảo rằng một lòng vì tôi, nhưng có miệng lại không chịu nói, vậy thì phải tự gánh chịu hậu quả.”

“Cô đúng là to gan lớn mật! Gia Ngạn đường đường là quận vương, đứng đầu quan lại. Ở trong triều không biết bao nhiêu người kính trọng anh ấy, sợ anh ấy. Cô lại dám dùng roi quất anh ấy. Dù cô có thân phận gì thì cũng đáng bị róc xương lóc thịt.”

“Róc xương lóc thịt! Róc xương lóc thịt chú ấy! Tôi đánh chàng đó, thì sao nào?”

Tôi và hắn trợn mắt nhìn nhau tới tận khi Trình Gia đi tới, nắm lấy tay tôi.

“A Ly, đừng cãi nhau nữa. Vừa đi vừa nói chuyện.”

Tôi và Trình Gia lên cùng một cỗ xe ngựa. Tôi vén rèm xe lên nhìn, xe ngựa của Chu Nguyên Tông đang theo sát ở phía sau.

Tôi trầm mặc không nói. Trình Gia thở dài, cuối cùng chàng nói với tôi: “A Ly, ta đã biết thân phận của nàng.”

Tôi ngẩng đầu nhìn Trình Gia: “Thân phận gì cơ?”

“Bạch Long.”

“Biết lúc nào?”

“Thái tử điện hạ nói cho ta biết sau khi ta về Trường An.”

Trình Gia chậm rãi kể lại tất cả mọi chuyện cho tôi nghe. Chàng nói phong thư được gửi tới thành Hu-Nê là do thái tử viết cho chàng. Khi ấy, chàng thực sự cho rằng công chúa Khánh Dương đã mất. Sau khi trở lại Trường An chàng mới phát hiện là thái tử lừa chàng.

Hoàng đế Trung Nguyên già rồi nhưng không cam lòng nên ông ta đã bí mật tìm kiếm thuật trường sinh bất lão. Bên cạnh ông ta luôn có một lão đạo sĩ.

Nghe đâu lão đạo sĩ đó đã hơn trăm tuổi, tên là Tiết Lương Nho, tự xưng là Cửu Chân Tán Nhân. Bình thường, Tiết Lương Nho chỉ chuyên luyện đan cho hoàng đế, cũng không phải là một người khoa trương nên cực ít được người khác chú ý.

Mãi cho đến khi thái tử từ Tây Vực trở về, vô tình gặp được lão ta. Lão đạo còng lưng ấy lại bất ngờ nắm chặt tay thái tử, trong đôi mắt đục ngầu lấp lánh hưng phấn.

Thái tử không ưa lão, đang định mắng lão lớn mật thì Tiết Lương Nho lại dùng chất giọng khàn khàn hỏi: “Điện hạ ở Tây Vực đã gặp người nào? Ăn thứ gì vậy?”



Trước mặt hoàng đế, thái tử không tiện im lặng nhưng cũng không muốn trả lời nên chỉ cau mày nhìn lão chằm chằm: “Tiết tán nhân có ý gì?”

Tiếng cười của Tiết Lương Nho lộ rõ sự đắc ý, cũng lộ ra sự điên cuồng. Lão thưa với hoàng đế: “Bệ hạ! Thuật trường sinh bất lão mà bệ hạ mong muốn, thần tìm thấy rồi! Tìm thấy rồi!”

Thái tử nghe được một bí mật không thể tin nổi từ miệng lão. Lão nói rằng thế gian này có rồng. Rồng sống ở đáy biển, cũng có thể bay lượn giữa tầng mây, là tà thú giữa đất trời. Rồng có pháp lực vô biên, có thể tu luyện thành hình người, làm hại nhân gian.

Vời thời nhà Hạ đã có ghi chép của Khổng Giáp về việc nuôi rồng, ăn thịt rồng. Bắt đầu từ thời Tiền Tần, dân gian có truyền thuyết về người diệt rồng. Đế dùng Giáp Ất g.iết Thanh Long, dùng Bính Đinh g.iết Xích Long, lấy Canh Tân g.iết Bạch Long, lấy Nhâm Quý g.iết Hắc Long.

Tổ tiên của Tiết Lương Nho là người diệt rồng. Lão nói từ xa xưa người ta đã cho rằng ăn thịt rồng chữa được bách bệnh. Ăn thịt rồng đã tu luyện thành tinh còn có thể kéo dài tuổi thọ, dùng nội đan của nó để luyện thành thuốc trường sinh bất lão.

Lão quả quyết khi còn bé cha lão đã cho lão ăn thịt rồng nên lão mới sống lâu hơn một trăm tuổi. Nhưng do dân gian vẫn luôn chống rồng và diệt rồng nên bây giờ khó mà tìm thấy tung tích của rồng.

Tiết Lương Nho nói mũi lão rất thính, ngửi ra được mùi rồng. Lão nói thái tử từng ăn thịt rồng, chưa biết chừng Tây Vực còn có Bạch Long.

Không. Chắc chắn ở Tây Vực còn có Bạch Long.

Mấy chục năm trước, ở Trung Nguyên có một ông lão họ Hoàng từng buôn đồ sứ ở Tây Vực. Trước lúc lâm chung, ông ta có nói mình từng ăn thịt rồng.

Thịt rồng có thể đào được bên dưới Gò Rồng ở phía Nam dãy Thiên Sơn.

Tuy rằng đó chỉ là lời đồn, sau này cũng không có ai thật sự đào được, nhưng Tiết Lương Nho vẫn tin chắc rằng lời đồn sẽ không tự dưng mà nổi lên.

Thanh Long sống ở phương Đông. Bạch Long sống ở phương Tây. Tiết Lương Nho chưa từng thấy Bạch Long, nhưng lão đã từng gi.ết Thanh Long của Trung Nguyên.

Thái tử không dám tin, hoàng lăng mà phụ hoàng của hắn cho sửa mấy năm trước thật sự là địa cung bí mật để Tiết Lương Nho nghiên cứu thuật trường sinh bất lão.

Bọn họ dẫn hắn tới địa cung.

Chu Nguyên Tông nhìn thấy tư liệu, sách sử và cũng nhìn thấy một bộ xương rồng hoàn chỉnh với sừng rồng và da rồng.

Tiết Lương Nho nói đó là con rồng xanh mà lão đã giết mười mấy năm trước. Nó còn quá nhỏ, vẫn chưa tu luyện thành tinh nên không có tác dụng gì. Lão dán mắt vào thái tử, nói thẳng rằng trên người thái tử có mùi thịt rồng, hơn nữa chắc chắn không phải là thịt rồng bình thường.

Chu Nguyên Tông nhìn Tiết Lương Nho đang điên cuồng, cùng với ánh mắt lấp lánh của phụ hoàng. Trong lòng hắn đột nhiên cảm thấy hoảng sợ.

Đúng vậy, là hoảng sợ. Bởi vì hắn nhớ lại. Hắn cực kỳ chắc chắn, lúc đó ở Tây Vực, hắn đã bị sát thủ do Chu Nguyên Hanh phái ra, gần như đâm xuyên qua người.

Trên thanh đao ấy còn có độc.

Trước đây khi hắn còn sống quay về, Chu Nguyên Hanh đã trợn to mắt, suýt chút nữa nhảy dựng lên. Gã nói một câu: “Sao lại thế được?”

Sao lại không thể? Hắn đã ăn Nấm vạn niên gia truyền của hai ông cháu ở Tây Vực.
Chương trước Chương tiếp
Loading...